Trong bản báo cáo tài chính của một doanh nghiệp, chỉ tiêu hàng tồn kho được xem là một trong những yếu tố quan trọng để tính toán được số vòng quay hàng tồn kho. Số vòng quay hàng tồn kho là tỷ số tài chính quan trọng giúp các doanh nghiệp có thể tự đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất – kinh doanh. Vậy bạn hiểu khái niệm, ý nghĩa cũng như cách tính vòng quay hàng tồn kho chuẩn nhất hiện nay? Cùng Atosa đi tìm câu trả lời trong bài viết sau đây nhé!

Vòng quay hàng tồn kho là gì?

Trước hết chúng ta phải hiểu vòng quay hàng tồn kho là gì? Vòng quay hàng tồn kho hay trong tiếng anh là Inventory Turnover thực chất là thước đo số lần hàng tồn kho của một cơ sở kinh doanh luân chuyển để tạo ra doanh thu được ghi nhận trong khoảng thời gian nhất định.

Như vậy, vòng quay hàng tồn kho cũng có thể hiểu là một chỉ số tài chính dùng để đánh giá khả năng bán hàng, quản lý kho, số lần hàng tồn kho được xử lý trong một khoảng thời gian nhất định. Từ đó, giúp doanh nghiệp dễ dàng đánh giá được tốc độ bán hay thời gian lưu kho của từng loại sản phẩm để đưa ra những chính sách bán hàng hợp lý.

Vòng quay hàng tồn kho

Cách tính vòng quay hàng tồn kho chuẩn nhất hiện nay

  • Bước 1: Xác định khoảng thời gian mong muốn tính số vòng quay hàng tồn kho ( Một năm, một quý hay một tháng,…) và đối tượng hàng tồn kho cần tính vòng quay (theo mã, hay nhóm hàng hàng tồn kho,…)
  • Bước 2: Thu thập thông tin về giá vốn hàng bán, giá trị tồn kho cuối kỳ của từng đối tượng hàng tồn kho
  • Bước 3: Tính vòng quay hàng tồn kho:

 

Vòng quay hàng tồn kho = Giá vốn bán hàng / Giá trị hàng tồn kho bình quân

Trong đó:

  • Giá vốn hàng bán được xác định trong khoảng thời gian mà bạn cần tính: Tháng/quý/năm (sau đây gọi là kỳ)
  • Giá trị hàng tồn kho bình quân được xác định bằng công thức:

 

Giá trị hàng tồn kho bình quân = (Giá trị tồn kho đầu kỳ + Giá trị tồn kho cuối kỳ) / 2

Ngoài ra, bạn cũng có thể tính số ngày của 1 vòng quay theo công thức:

Số ngày của 1 vòng quay = Số ngày của kỳ kế toán / Số vòng quay hàng tồn kho

Trong đó: Nếu kỳ kế toán là năm, quý, tháng thì số ngày của kỳ kế toán được tính tương ứng là 365, 90, 30.

Ý nghĩa của số vòng quay hàng tồn kho

Vậy vì sao doanh nghiệp lại chú trọng đến chỉ số vòng quay hàng tồn kho như vậy? Số vòng quay càng nhỏ hay càng ít sẽ nói lên điều gì về hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp? Hãy cùng Atosa tìm hiểu ngay sau đây!

Chỉ số vòng quay hàng tồn kho cao cho thấy tốc độ bán hàng của doanh nghiệp rất nhanh và hiệu quả, thời gian tồn kho của hàng hóa ngắn, không bị ứ đọng và nhanh chóng được thay thế bởi đợt hàng mới. Đây hẳn là chỉ số mà nhiều doanh nghiệp mong muốn khi thể hiện trên các bản báo cáo tài chính, khi đó chỉ số hàng tồn kho cũng sẽ giảm theo các năm. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc lượng hàng hóa lưu trữ trong kho ít, nếu gặp trường hợp nhu cầu thị trường tăng đột ngột thì doanh nghiệp sẽ khó đáp ứng đủ số lượng sản phẩm kịp thời. Bên cạnh đó, dự trữ nguyên liệu vật liệu đầu vào cho các khâu sản xuất không đủ có thể khiến cho dây chuyền bị ngưng trệ.

Chỉ số vòng quay hàng tồn kho thấp ngược lại sẽ tình trạng kinh doanh của doanh nghiệp khá chậm và tồn đọng nhiều hàng hóa. Việc hàng hóa tồn đọng trong kho quá lâu sẽ dẫn đến những hao mòn về giá trị, hỏng hóc hoặc không còn phù hợp với nhu cầu của thị trường. Đặc biệt, hàng tồn kho cũng là tài sản khó có thể hoán đổi thành tiền mặt, do đó, nếu việc ứ đọng lâu ngày, có thể dẫn đến Doanh nghiệp mất dần khả năng thanh khoản.

Bên cạnh đó, khi phân tích vòng quay hàng tồn kho chủ doanh nghiệp cũng cần lưu ý những yếu tố khác sau:

  • Giá trị Số vòng quay hàng tồn kho còn tùy thuộc vào đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh của từng loại hình doanh nghiệp. Thông thường, trong các doanh nghiệp thương mại hoặc có chu kỳ sản xuất dài hàng tồn kho chiếm tỷ trọng tương đối lớn so với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ.
  • Giá trị của số vòng quay hàng tồn kho còn tùy thuộc vào chính sách dự trữ và tính thời vụ trong hoạt động kinh doanh ở doanh nghiệp. Chẳng hạn, do xuất hiện tình trạng mất cân đối về cung cầu vật tư, hàng hóa trên thị trường nên các quyết định về đầu cơ có thể dẫn đến giá trị của chỉ tiêu này cao.
  • Phân tích Số vòng quay hàng tồn kho cũng cần đặt trong mối tương quan với tăng trưởng của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp hoạt động ở thị trường mới bùng nổ và doanh thu của doanh nghiệp tăng liên tục trong nhiều năm có thể dẫn đến chỉ số tồn kho gia tăng để dự trữ cho nhu cầu của thị trường. Ngược lại, trong giai đoạn kinh doanh suy thoái thì tỷ trọng hàng tồn kho có khuynh hướng giảm.

Kết luận

Trên đây là những thông tin cơ bản về số vòng quay hàng tồn kho, cách tính cũng như cách phân tích chỉ số này. Atosa hy vọng rằng những thông tin hữu ích này sẽ giúp bạn đánh giá và đưa ra những chính sách bán hàng phù hợp để thúc đẩy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mình.

Xem thêm: 

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận